Sự nghiệp Văn Hiệp

Trên phim ảnh, ông thường "đóng đinh" với những dạng vai nông dân chất phác, hiền lành, thật thà và tốt bụng... Và dù đóng bất kỳ vai nào, cái duyên hài hước trong ông cũng khiến cho vai diễn bừng lên sự sinh động và dí dỏm. Trong sự nghiệp diễn viên 40 năm của mình, ông tham gia vào nhiều tác phẩm kịch, phim truyện.Những vở diễn đã từng gắn với tên tuổi của ông như: "Nila", "Đôi mắt", "Hoa pháo", "Nghêu, sò, ốc, hến"… và để lại trong lòng khán giả nhiều ấn tượng sâu sắc. Vai diễn "nghiêm túc" của ông đã từng để lại dấu ấn một thời trên sân khấu kịch của Nhà hát Kịch Việt Nam là vai Vinh trong vở "Bài ca Điện Biên".

Tuy nhiên, vai diễn đánh dấu sự khởi nguồn hài kịch của Văn Hiệp chính là vở "Nghêu, Sò, Ốc, Hến" của đạo diễn Dương Ngọc Đức. Ông đã chọn Văn Hiệp vào vai Ốc và với tài diễn xuất của mình, nghệ sĩ Văn Hiệp đã tạo được một Ốc có một không hai trong các vai Ốc của tích tuồng này.

Thời gian về sau, nghệ sĩ Văn Hiệp chuyển sang lĩnh vực truyền hình và thành công với rất nhiều vai diễn lớn nhỏ trên phim truyền hình. Đặc biệt, series kịch bản về "Trưởng thôn Văn Hiệp" cùng 2 danh hài Quang Tèo và Giang Còi đã làm nên một hình tượng nhân vật "trưởng thôn" đặc sắc không hề trộn lẫn.[2] Nghệ sĩ Văn Hiệp nghỉ hưu từ năm 2002.

Cho đến năm 2013, tuy đã 3 lần được làm hồ sơ để trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nghệ sĩ Văn Hiệp vẫn chưa được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú hay Nghệ sĩ nhân dân do thiếu huy chương cũng như có ý kiến cho rằng ông diễn còn nghiệp dư dù ông đã bắt đầu việc diễn xuất năm 1954 (vở Lỳ và Sáo ở Nhà hát Lớn).[3] Nói về việc này, ông cho rằng "cái áo dù người thợ may có khéo đến đâu cũng không thể vừa khít mình" và bày tỏ rằng chỉ muốn "cần cù và phấn đấu trung thực như một nghệ sĩ giun".[4]. Tuy nhiên, vào ngày 25/3 cùng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn quyết định tổ chức sinh nhật lần thứ 71 dành cho ông.

Nghệ sĩ nhân dân Khải Hưng, người từng cộng tác với nghệ sĩ Văn Hiệp trong phim Mặt trời bé con (1985) nói về việc Văn Hiệp không được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú:

Thủ tục vẫn là thủ tục bởi nếu không có nó chúng ta sẽ rơi vào tranh luận, sa lầy không đúng nguyên tắc. Thực tế anh Văn Hiệp không ở đoàn thể nào nên rất thiệt thòi. Anh ấy từ Nhà hát Kịch đi ra, là diễn viên tự do, không tham gia vở diễn gì mà dự hội diễn để có huy chương mà theo đúng luật, có huy chương thì mới được xét danh hiệu nghệ sĩ.

Nhưng cũng chính vì thế mà Văn Hiệp rất oan dù anh ấy xứng đáng được trân trọng. Vì anh ấy không đóng vai chính kịch nên không có huy chương nhưng điều lớn nhất là những vai diễn của Văn Hiệp đi vào lòng người. Văn Hiệp rất xứng đáng là nghệ sĩ của nhân dân Việt Nam.[5]

Ngày 11 tháng 4 năm 2013, Nghệ sĩ nhân dân Khải Hưng đã soạn thảo lá đơn trình lên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đề nghị truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cho Văn Hiệp. Ngày 12 tháng 4 năm 2013, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã soạn xong lá đơn đề nghị Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch Việt Nam đặc cách phong Nghệ sĩ Ưu tú cho cố nghệ sĩ Văn Hiệp.[6] Đến ngày 13 tháng 9 năm 2013, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cho Văn Hiệp vì những đóng góp của ông cho nền nghệ thuật nước nhà. Vào ngày 10 tháng 10 năm 2013, tại trụ sở Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam, diễn ra Lễ truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho cố nghệ sĩ Văn Hiệp.[7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Văn Hiệp http://www.youtube.com/watch?v=Od5ZJibONag http://www.youtube.com/watch?v=ah0z-rYSd64 http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2013/04... http://afamily.vn/hau-truong/van-hiep-mot-cuoc-doi... http://www.baodatviet.vn/van-hoa/201304/Vo-co-nghe... http://dantri.com.vn/giai-tri/cuoc-doi-nghe-si-van...